Xuất hiện cách đây hàng ngàn năm, nghề Gốm không chỉ cho thấy tiến bộ vượt bậc trong thiết kế sản xuất ra những công cụ phục vụ cuộc sống mà còn cho thấy trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm cùng với thời gian, những làng gốm nổi tiếng xưa vẫn được gìn giữ và lưu truyền tới ngày nay như: Làng Gốm Bát Tràng, làng Gốm Chu Đậu, làng Gốm Bàu Trúc
Tinh hoa Gốm xưa
Gốm cổ truyền Việt Nam có cách đây hàng ngàn năm. Gốm xuất hiện trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long và trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun… Đặc biệt, đến thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) nghề gốm Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc từ kỹ thuật đến chất men. Các sản phẩm gốm thời Lý – Trần có họa tiết đa dạng, tinh xảo mang lại giá trị thẩm mỹ rất cao và là niềm khao khát của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo tài liệu giới thiệu “Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà” của Ty Văn hóa Hà Bắc và tài liệu “Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng”, tư liệu đánh máy của Viện Mỹ thuật, năm 1964, vào khoảng thời Lý – Trần có ba người đỗ Thái học được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương) đã học được nghề sứ gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Để truyền nghề, ông Kiều về làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng; ông Tiến về làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ; ông Tú về làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ở thời Lý, nghề gốm nổi tiếng đứng đầu là Gốm hoa nâu, tiếp đến là Gốm men vàng và xanh lục. Gốm hoa nâu mang đậm yếu tố Phật giáo thời bấy giờ, những đề tài về hoa sen, hoa cúc được khắc họa trên đồ gốm lúc hiện thực lúc thi vị hóa. Hoa văn hình rồng thời Lý trên gốm mang nét đặc trưng với đường nét mềm mại, uốn lượn tinh xảo. Gốm hoa nâu có cốt gốm dày thô, chắc chắn.
Đến thời Trần, nghề gốm phát triển các dòng men trắng, xanh ngọc, hoa nâu nhưng tiêu biểu nhất là dòng gốm hoa lam với màu men trắng đục họa tiết màu xanh lam. Hoa văn trang trí là hoa dây lá, hoa sen, chim muông. Hoa văn hình rồng thời Trần trên gốm đã có thay đổi so với thời Lý với những đường nét, dáng vẻ khỏe khoắn, uốn lượn tự do không thanh mảnh và gò bó như rồng thời Lý.
Nghề gốm thời Lý – Trần phát triển mạnh ở nhiều tỉnh. Mỗi vùng quê gốm có kỹ nghệ và mặt hàng gốm đặc trưng riêng tạo nên sự đa dạng và phong phú của nghề gốm Việt Nam. Những trung tâm sứ gốm xuất hiện từ thời Lý-Trần đến nay vẫn còn hưng thịnh có thể kể đến như: Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội; làng gốm Chu Đậu (Hải Dương); Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh)…
Giữ gìn và phát triển hồn gốm Việt
Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làm gốm vẫn gìn giữ phát triển thổi hồn vào từng sản phẩm gốm Việt. Sản phẩm gốm ngày nay khá đa dạng từ gốm thô bằng đất nung đến những đồ gia dụng và trang trí tinh tế với nhiều sắc men phong phú. Mỗi sản phẩm gốm ngày nay không chỉ thể hiện bàn tay khéo léo, sự tinh tế, sáng tạo của người thợ mà những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam luôn được lưu giữ trong từng sản phẩm gốm, mang tâm hồn Việt.
Khác với nghề gốm truyền thống, gốm sứ hiện đại với sự tiến bộ về công nghệ dây chuyền sản xuất, các sản phẩm gốm được làm toàn bộ bằng máy móc và sử dụng kỹ thuận in nung gốm ở nhiệt độ cao, mực in sẽ được giữ vĩnh viễn, bền theo thời và đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Với kỹ thuật in nhiệt, sản phẩm in không bị bong tróc và nứt mẻ. Sản phẩm gốm khá đa dang về mẫu mã, chủng loại và có nhiều công dụng hơn.
Theo dòng thời gian, tinh hoa nghề gốm Việt Nam không dừng lại mà tiếp tục phát triển vươn ra thế giới và trở thành niềm tự hào cho người Việt. Tiêu biểu có làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) được hình thành và phát triển từ thời nhà Lý, đến nay gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu có tiếng, có phong cách riêng, giàu bản sắc. Các sản phẩm của làng nghề gốm Bát Tràng đa dạng về dòng men, chủng loại, màu sắc, thiết kế… Bên cạnh việc phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay khéo léo cùng sự đam mê đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ độc đáo. Những người thợ tài hoa đã phục chế thành công nhiều tác phẩm gốm sứ cổ như: Gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Nguyễn…, khôi phục và chế tác nhiều công thức men đặc sắc. Đặc biệt những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật công nghệ các sản phẩm gốm Bát Tràng liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và chinh phục được nhiều thị trường quốc tế.
Ngoài làng gốm Bát Tràng, làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) lưu giữ một dòng gốm đẹp của Việt Nam. Gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 và sau hơn ba thế kỷ bị thất truyền, gốm Chu Đậu ngày nay đang hồi sinh, trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Phương pháp chế tác gốm Chu Đậu hiện đã đạt trình độ cao. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men mầu tam thái với dáng vẻ đến họa tiết, hoa văn trang trí… đều mang dấu ấn bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt với tính nghệ thuật cao, miêu tả khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Ngày nay việc gìn giữ và phát triển tinh hoa gốm Việt tuy còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với trí tuệ, bàn tay, khối óc của những nghệ nhân, những làng gốm vẫn đỏ lửa lò nung để cho ra những sản phẩm đặc sắc gốm Việt và con đường gốm sứ tiếp tục viết nên những tinh hoa của nghề gốm xưa và nay./.